Giảm cân không rõ nguyên nhân không hiếm thấy. Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ khi áp lực công việc, cuộc sống đè nặng gây ra các bệnh tâm lý và thể chất. Nếu không tìm hiểu rõ nguyên nhân và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Biểu hiện của giảm cân quá nhanh
Kiểm soát cân nặng luôn là mục tiêu của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sụt cân quá nhanh là biểu hiện của tình trạng cơ thể không tốt. Thực chất, giảm cân nhanh là khi cơ thể mất đi 5 – 10 % trọng lượng cơ thể trong khoảng 3 – 12 tháng mà chế độ ăn uống, rèn luyện thể dục thể thao không thay đổi.
Trong thời gian ngắn, ít ai nhận biết bản thân đang mất trọng lượng cơ thể bất thường. Các biểu hiện dễ nhận thấy nhất là thể trạng gầy gò, sức yếu và quần áo bị rộng. Ngoài ra, một số người sẽ chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi và hay cáu gắt.
Các biểu hiện trên là hồi chuông báo động cơ thể bạn đang cần phục hồi gấp. Vì vậy, ai cũng không nên chủ quan. Thay vào đó, bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân để có phương án điều trị kịp thời.
Giảm cân không rõ nguyên nhân là biểu hiện của bệnh gì?
Giảm cân do nhiều nguyên nhân gây nên, cụ thể:
Nguyên nhân từ các loại bệnh
Cơ thể giảm trọng lượng bất thường có khả năng do một trong những bệnh lý sau:
- Mắc bệnh đường ruột
Các tổn thương gây ra cho đường ruột như Crohn, Celiac, không dung nạp Lactose đều làm giảm hấp thụ dinh dưỡng làm sụt cân. Trong hầu hết người bệnh đều có thể can thiệp y tế để kiểm soát và khắc phục tình trạng này.
- Ung thư
Ung thư ngay giai đoạn tiến triển hay cuối đều gây sụt cân nhanh. Đặc trưng của người mắc bệnh này là cơ thể mất năng lượng, viêm toàn thân, mất cân bằng protein, mất khối lượng nạc,… Chúng ngăn cản khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, bào mòn cơ thể khiến suy giảm cân nặng. Rõ ràng nhất là các bệnh ung thư tuyến tụy, ung thư tiêu hoá hay phổi.
- Bệnh tiểu đường
Bị tiểu đường là nguyên nhân chính làm rối loạn chức năng nhiều cơ quan và giảm cân. Bởi hàm lượng đường trong máu cao, cơ thể và thận quá tải khi dùng đường cung cấp năng lượng. Bệnh nhân mắc tiểu đường thường sẽ đi tiểu thường xuyên, mờ mắt, ngứa bàn chân, khát nước,…
- Căng thẳng kéo dài
Tâm lý ảnh hưởng lớn đến cảm giác ăn uống. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong (Trường Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng chán ăn lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng kéo dài. BS.CKII Đào Thị Yến Thuỷ (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) nhận định: “Căng thẳng về tâm lý, trầm cảm tinh thần có thể gây ức chế cảm giác đói, đôi khi buồn nôn và khiến thức ăn tiêu hoá kém.” Từ đó đó thể thấy, tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài là nguyên nhân không nhỏ khiến cân nặng giảm không kiểm soát.
- Trầm cảm
Trầm cảm là bệnh lý nghiêm trọng làm giảm cảm giác ăn uống ngon miệng. Người bệnh thường ở trạng thái suy giảm năng lượng, mất hứng thú với nhiều thứ và thường bị buồn bã và chán nản.
- Nhiễm ký sinh trùng
Các ký sinh trùng phải kể đến giun, động vật nguyên sinh ký sinh trong đường ruột. Chúng gây ra nhiều vấn đề về tiêu hoá, thậm chí làm giảm lượng dinh dưỡng của thức ăn nạp vào cơ thể.
- Bị tuyến giáp
Tuyến giáp có chức năng sản sinh hormone cho quá trình trao đổi chất. Bởi vậy, khi cơ quan này bị rối loạn chức năng, hormone tiết ra không đủ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả trao đổi chất.
Đặc biệt, với những ai bị cường giáp, tuyến giáp hoạt động mạnh sẽ làm cân nặng giảm nhanh hơn. Chúng cũng làm tăng nhịp tim, mất ngủ, run tay chân và thường xuyên lo lắng bồn chồn cho người bệnh.
Nguyên nhân từ các loại thuốc
Một số loại thuốc khi nạp vào cơ thể có tác dụng phụ, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất và ngăn phản ứng đói. Với một số tình trạng khi sử dụng liều lượng lớn và thường xuyên còn dẫn đến suy dinh dưỡng trầm trọng. Những “cái tên” tiêu biểu có thể kể đến như:
- Chất kích thích, thuốc chống trầm cảm, hoá trị liệu, thuốc điều trị đái tháo đường type 2.
- Các chất gây nghiện như rượu, cocaine, opioid, thuốc lá, amphetamines,…
- Các dòng thuốc kháng virus, chống động kinh, điều trị tuyến giáp hay NSAIDs,…
- Thảo dược hoặc thuốc không kê toa như nha đam, caffeine, 5 hydroxytryptophan, cascara, crom, bồ công anh, ma hoàng, chitosan, garcinia, guarana, nicotine, pyruvate,…
Như vậy có thể khẳng định, giảm cân không rõ nguyên nhân không phải dấu hiệu tốt. Trong trường hợp không thay đổi lượng thức ăn và tập luyện, cân nặng suy giảm còn là vấn đề đáng lo ngại. Bạn nên chú trọng và tìm hiểu rõ nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.
Bên cạnh các biểu hiện thường thấy, khi cơ thể sụt cân nhanh cũng kéo theo các triệu chứng đi kèm.
Triệu chứng đi kèm tình trạng giảm cân quá đà
Khi cơ thể mất trọng lượng lớn trong thời gian ngắn sẽ kéo theo hàng loạt các triệu chứng, gồm:
- Mệt mỏi: Có thể bởi bệnh suy nhược thận, thận mạn tính, ung thư, trầm cảm, nhiễm trùng, thận hư, u hạt, viêm động mạch tế bào khổng lồ.
- Sốt cao, ra mồ hôi trộm ban đêm: Có thể do các bệnh lý về ung thư, viêm động mạch tế bào khổng lồ, nhiễm trùng.
- Xuất huyết trực tràng, đau bụng: Do ung thư đại trực tràng.
- Ho thường xuyên, khó thở thậm chí ho ra máu: Khả năng bị ung thư phổi, lao, nấm phổi, HIV/AIDS, u hạt.
- Tiểu ra máu: Bị ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt.
- Run tay chân, vã mồ hôi, lo âu và sợ nóng: Khả năng mắc bệnh cường giáp.
- Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều: Phần lớn do mắc đái tháo đường.
- Đau xương không do hoạt động, thường bị ban đêm: Chủ yếu do ung thư đa u tuỷ xương, tuyến tiền liệt, ung thư phổi hoặc di căn từ ung thư vú.
- Nhức đầu, triệu chứng thị giác hoặc đau cơ: Thường xảy ra ở người lớn tuổi bị viêm động mạch vành tế bào khổng lồ.
- Đau khớp: Viêm nội tâm mạc, viêm động mạch vành tế bào khổng lồ.
- Đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi: Do suy thượng thận, thiếu máu, đái tháo đường hoặc nhiễm giun sán.
- Cổ chướng: Uống nhiều rượu, hội chứng thận hư.
- Phù: Bị thận mạn, hội chứng thận hư.
- Rối loạn giấc ngủ, buồn chán, giảm ham muốn tình dục: Khả năng bị trầm cảm.
Sụt cân quá nhanh không hề tốt nên bạn không nên chủ quan. Cùng với các triệu chứng trên, người bị nên chú ý quan sát cơ thể và tình trạng sức khoẻ. Ngoài ra, để chắc chắn có bị mất trọng lượng bất thường hay không, bạn có thể tham khảo các cách chẩn đoán.
Các phương pháp chẩn đoán tình trạng giảm cân nhanh
Chẩn đoán chính xác bản thân có bị sụt cân nhanh, bạn có thể đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chuyên ngành tiến hành đánh giá tình trạng cơ thể theo các bước sau:
Bước 1: Xác định tình trạng giảm cân
Người khám xác định tình trạng cân nặng giảm của người bệnh theo các yếu tố sau:
Mức độ giảm | |
Cân nặng dao động bình thường trong ngày | 1 – 2 % |
Cân nặng dao động bình thường từ ngày này qua ngày khác | 2.2 kg |
Giảm cân có ý nghĩa lâm sàng | Tối thiểu 5 % trong vòng 6 tháng |
Phương pháp xác định | |
Dùng cân nặng trong khoảng thời gian giảm từ 6 – 12 tháng |
Bước 2: Khám lâm sàng
Khám lâm sàng được bác sĩ tiến hành theo quy trình cơ bản gồm:
- Thu thập thông tin bệnh lý, tình trạng sức khoẻ, triệu chứng, các biểu hiện và tần suất xuất hiện.
- Kiểm tra thể chất, đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, cân nặng và BMI (chỉ số khối cơ thể).
- Khám tổng quát tim, phổi, bụng, thần kinh, răng miệng, trực tràng,…
Bước 3: Cận lâm sàng chẩn đoán
Với bệnh nhân sụt ≥ 5 % cân nặng bình thường, bệnh sử hoặc khám lâm sàng bất thường cần làm thêm xét nghiệm. Còn bệnh nhân có bệnh sử và khám lâm sàng liên quan hấp thu kém sẽ cần có đánh giá thích hợp. Khi bệnh sử và lâm sàng không giúp gợi ý chẩn đoán, cận lâm sàng chẩn đoán sẽ đưa ra chẩn đoán. Các xét nghiệm sâu sẽ được chỉ định tuỳ kết quả, cụ thể:
- Xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu, thậm chí phân nếu bác sĩ yêu cầu.
- Nội soi ống tiêu hoá để đánh giá các bệnh lý tiêu hoá chính xác.
- Chẩn đoán hình ảnh gồm chụp X – quang ngực, chụp cắt lớp vi tính ngực hoặc bụng, chụp cộng hưởng từ, siêu âm tim, chụp cắt lớp phát xạ Positron.
Trên đây là trình tự cơ bản để xác định chắc chắn người khám có bị sụt cân nhanh hay không. Tuỳ vào mức độ giảm trọng lượng, tình trạng sức khoẻ mà bác sĩ kết luận, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Cách xử lý khi giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân
Trường hợp xác định rõ bệnh nhân bị sụt cân nhanh, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân để có phương án xử lý. Các phương án đề ra nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, kiểm soát biến chứng và điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh.
- Trường hợp do rối loạn tiêu hoá, mắc bệnh viêm ruột
Sử dụng các loại thuốc chống viêm, phẫu thuật hoặc kháng sinh. Bệnh nhân sẽ thực hiện chế độ ăn kiêng qua ống dinh dưỡng hoặc tiêm dưỡng chất vào tĩnh mạch.
- Trường hợp do rối loạn nội tiết
Với các nguyên nhân do bệnh cường giáp, đái tháo đường,… người bệnh cần điều trị theo toa thuốc bác sĩ kê.
- Trường hợp do ung thư
Phác đồ điều trị phụ thuộc giai đoạn bệnh, vị trí tế bào ung thư, độ tuổi và tình trạng sức khoẻ bệnh nhân. Trong giai đoạn đầu, người bị sẽ được áp dụng các phương pháp giảm triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày.
- Trường hợp bị tâm lý
Với những ai do căng thẳng, lo âu, mệt mỏi quá độ cần tuân thủ toa thuốc theo khuyến nghị bác sĩ. Với tình trạng nhẹ, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tăng cường tập luyện thể dục thể thao, ngủ đủ giấc. Đồng thời, hạn chế lên mạng xã hội, không rượu bia và các chất kích thích. Bổ sung thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau quả, giảm chất béo và đường. Đặc biệt, thêm omega-3 cũng là cách hữu hiệu để giảm stress.
Những ai do trầm cảm, người bệnh cần tìm đến bác sĩ tâm lý để có phương án tối ưu. Kết hợp với lối sống khoa học và thiền ổn định tâm trạng.
Giảm cân không rõ nguyên nhân không phải vấn đề đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Trước áp lực công việc lớn, tình trạng người trẻ stress lâu dài dẫn đến chán ăn, sụt cân bất thường trở nên phổ biến. Nếu không điều trị dứt điểm sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần. Đó là lý do nếu bạn nhận thấy cơ thể có biến đổi lớn về cân nặng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và các triệu chứng. Hơn hết, hãy đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để có phương án khắc phục kịp thời.